CÁCH CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG VÀ DẤU HIỆU BỆNH LÝ RĂNG MIỆNG Ở TRẺ MẦM NON

 

Đầu tiên , xin gửi lời chào đến quí phụ huynh quan tâm vấn đề chăm sóc răng miệng cho trẻ mầm non, tôi là bác sĩ răng hàm mặt và cũng là một người mẹ có con trong độ tuổi mầm non. Những chia sẻ dưới đây từ góc độ của nhà chuyên môn và cả kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc bé của một người mẹ, sẽ đơn giản và dễ hiểu nhất khi bài viết này là thực tế những điều quan tâm dưới cái nhìn của phụ huynh.

BS.CKI.Đặng Bảo Thúy- Nha khoa Hữu Nghị

Lâu quá tôi chưa thấy bé mọc răng nào hết, bé có bị sao không bác sĩ?

Hi, bé đã được mấy tháng tuổi? Là câu đầu tiên tôi sẽ hỏi bạn. Thời gian mọc răng sữa: 6-10 tháng đến 25-33 tháng (gần 3 tuổi), chênh lệch trong giới hạn bình thường là trễ hoặc sớm hơn 2 tháng. Trình tự mọc răng sữa: Răng cửa giữa – Răng cửa bên – Răng hàm thứ 1 – Răng nanh – Răng hàm thứ 2

Bất thường khi mọc răng:

  • Răng mọc sớm: trước 3 tháng tuổi, ngay khi sinh, sơ sinh (trong 30 ngày đầu sau sinh)
  • Răng mọc trễ: khi trẻ tới 18 tháng mà vẫn chưa có răng
  • Răng không mọc: do thiếu mầm răng hoặc nguyên nhân tại chỗ (chấn thương, răng mọc kẹt….).

Xử trí:

  • Răng mọc sớm có gây vấn đề loét chấn thương khi bú à -> Khám nha sĩ
  • Răng mọc trễ/ không mọc: Khám nha sĩ. Có thể chụp phim X Quang để khảo sát mầm răng.

Bé có chải răng mà sao răng vẫn đen/ răng bị siết hết, làm sao chăm sóc răng đúng cách cho bé?

Chăm sóc răng miệng đúng cách:

1. Thay đổi chế độ ăn uống:

– Bú bình suốt đêm -> sâu răng tràn lan. Bỏ thói quen bú/uống sữa rồi ngủ luôn mà không vệ sinh răng lại.

– Ăn ngậm -> Thời gian thức ăn tiếp xúc răng lâu dễ làm hư men răng và gây sâu răng. Thay đổi đa dạng hình thức và loại thức ăn để kích thích trẻ ăn

– Ăn nhiều bánh, kẹo, thức uống ngọt, nước có gas…-> tạo ra nhiều acid phá hủy men răng và gây sâu răng. Nên hạn chế các thực phẩm trên hoặc ăn xong sau 30’ cho trẻ chải răng sạch.

2. Loại trừ mảng bám:

2.1. Gạc mềm/ bàn chải silicon: bé < 6-8 tháng.

Phụ huynh chải sạch mảng bám/bợn sữa trên lưỡi, nướu và 1-2 răng sữa đầu tiên. Có thể nhúng gạc/đầu bàn chải silicon vào nước muối sinh lý để làm ẩm + động tác kéo từ trong ra ngoài dứt khoát tránh làm trẻ dễ nôn.

2.2. Bàn chải răng trẻ em + kem đánh răng (Xylitol): bé < 2 tuổi.

Bé chưa biết động tác nhổ nước/kem. Khuyên dùng kem đánh răng có thể nuốt được với hoạt chất chính có tác dụng ngừa sâu răng là Xylitol. Bàn chải răng trẻ em lông thật mềm với kích thước nhỏ phù hợp cho bé 0-2 tuổi.

2.3. Bàn chải răng trẻ em + kem đánh răng fluoride trẻ em + chỉ nha khoa: bé > 2-3 tuổi.

– Bé biết nhổ nước và kem đánh răng.

– Kem đánh răng có hàm lượng flouride 1000ppm dành cho trẻ em, lấy kem kích thước bằng hạt đậu.

– Bàn chải răng trẻ em lông mềm với kích thước phù hợp hoặc có thể dùng bàn chải điện.

Kỹ thuật chải răng tới – lui theo chiều ngang, hoặc xoay tròn 3600 (đối với bàn chải điện). Khuyến khích trẻ tự chải răng rồi phụ huynh kiểm tra và chải lại cho trẻ. Nên chải răng 2 lần/ngày và quan trọng chải răng buổi tối sau khi ăn, uống sữa.

– Chỉ nha khoa làm sạch kẽ giữa 2 răng, răng sữa mọc đầy đủ thường có khe giữa các răng nên dễ mắc thức ăn, nếu không lấy sạch sẽ gây sâu răng mặt bên.

  1. Dự phòng sâu răng:

3.1. Khám răng định kỳ:  Từ khi trẻ bắt đầu mọc răng đầu tiên (6-10 tháng), phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ răng trẻ em khám răng nhằm mục đích:

– Phụ huynh được tư vấn kiến thức đầy đủ về cách chăm sóc răng cho trẻ.

– Trẻ bắt đầu làm quen với môi trường phòng khám nha khoa

– Tái khám định kỳ mỗi 6 tháng

3.2. Fluor:

Bôi gel/vecni flour có tác dụng phòng ngừa sâu răng. Biện pháp này được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa và rất hữu ích đối với các trường hợp sâu răng mới chớm.

3.3. Trám bít phòng ngừa hố rãnh

Răng hàm nhai thường có nhiều trũng rãnh, nguy cơ đọng mảng bám thức ăn khi không được vệ sinh đầy đủ -> sâu răng mặt nhai. Biện pháp trám bít hố rãnh được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa khi phát hiện có sâu răng mới chớm hoặc ở trẻ có nguy cơ sâu răng cao.

Cách nào phát hiện răng miệng bé có vấn đề bệnh lý?

Hãy nhìn, quan sát và dành thời gian hỗ trợ trẻ trong việc chăm sóc răng hằng ngày.

  1. Sâu răng: Các dấu hiệu sâu răng từ nhẹ đến nặng được mô tả bằng hình ảnh dưới đây: đốm phấn trắng, đốm nâu, lỗ sâu …

  1. Áp xe răng: nốt mủ trên nướu thường có liên quan tới vị trí răng sâu lớn, hoặc răng có tiền sử chấn thương, đổi màu răng.

  1. Viêm nướu: nướu sưng, đỏ, dễ chảy máu, hôi miệng.

  1. Loét miệng:  Vết loét áp tơ: vết loét nông, trắng xám, đau rát
  • Viêm nướu miệng herpes: sốt, viêm nướu, nhiều vết loét ở họng, lưỡi, môi, đau rát, chán ăn

Lời khuyên:

Khi phát hiện có bất kỳ dấu hiệu bệnh lý răng miệng nào như trên, phu huynh nên đưa trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện/phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, việc phòng ngừa hoặc điều trị khi ở giai đoạn sớm sẽ đơn giản, nhẹ nhàng cho cả bé và phụ huynh.

Việc điều trị răng ở trẻ nhỏ tương đối đơn giản về mặt chuyên môn, nhưng khó khăn về mặt tâm lý vì trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm, cũng như chưa phát triển đủ để hiểu được những việc trẻ sắp phải trải qua. Khi phụ huynh có vấn đề khó khăn để thuyết phục bé đi khám/điều trị răng nên tìm khám bác sĩ chuyên khoa Răng Trẻ Em tại bệnh viện/phòng khám tư.

Tài liệu tham khảo:

  1. American Academy of Pediatrics. A Pediatric Guide to Children’s Oral Health. Elk Grove Village, IL: American Academy of Pediatrics; 2009
  2. Zou, J., Meng, M., Law, C. et al.Common dental diseases in children and malocclusion. Int J Oral Sci 10, 7 (2018).
  3. Goldman, Ran D. “Acyclovir for herpetic gingivostomatitis in children.” Canadian family physician Medecin de famille canadien 62,5 (2016): 403-4.